Thứ Tư, 25 tháng 10, 2017

HÃY LÀ QUẢN GIA KHÔN NGOAN
Tất cả mọi người chúng ta không nhiều thì ít đều là quản gia của Thiên Chúa. Vì tất cả mọi sự ta có: sự sống, tài năng, sức lực, quyền hành, chức vụ, tài sản .. đều là của Chúa ký thác cho chúng ta, trực tiếp để làm vinh danh Chúa, gián tiếp là để mưu ích hạnh phúc cho chúng ta và cho đồng loại...

Thứ Tư tuần XXIX TN  
Lc 12, 39-48
Sự chết là điểm đến chung cuộc của phận người (x.Gv 6,6). Thế nhưng, không ai biết mình sẽ chết lúc nào, bởi đó là giờ phút ta không ngờ (x. Lc 12,40). Tuy vậy, cái chết không phải là dấu chấm hết của một kiếp người (x. Mt 25,31-46), bởi lẽ, con người là họa ảnh của Thiên Chúa Tình Yêu (x. St 1,26) và được mời gọi thông phần vào sự sống thần linh của Ngài (x. Ep 1,3-7). Để chuẩn bị cho điểm đến này, thì tinh thần “tỉnh thức – sẵn sàng” là điều tối cần đối với những ai muốn cùng với Chúa đi trọn cuộc hành trình dương thế để tiến về quê trời.
Qua kiếp sống vĩnh cửu, giáo lý cũng dạy cho chúng ta biết, chúng ta sẽ vào thiên đàng hay hỏa ngục là nơi ở vĩnh viễn của chúng ta. Thiên đàng hay hỏa ngục là do cách sống của chúng ta ở trần gian chuẩn định. Vì vậy mà trong bài phúc âm hôm nay, Chúa dạy chúng ta phải tỉnh thức chờ Chúa đến.
Mọi người đều phải chết, đó là một điều hiển nhiên. Giáo lý dạy cho chúng ta biết không phải chết là hết, cái chết chấm dứt sự sống của chúng ta ở đời này, là sự sống tạm bợ, để bước qua sự sống vĩnh cửu. Sự sống ở đời này là một cuộc hành hương, trần gian này là nơi tạm trú, chúng ta rời khỏi đó khi chúng ta chết, việc chấm dứt cuộc hành hương, hay rời khỏi thế gian bằng cái chết vào lúc nào, ở đâu, bằng cách gì,chúng ta thường không biết, giờ phút ấy rất bất ngờ, giờ đó chúng ta gọi là giờ Chúa đến.
Chúa Giêsu mượn hình ảnh của người quản gia để nói lên sự tỉnh thức của người môn đệ. Người quản gia không chỉ chịu trách nhiệm đối với gia chủ. Người quản gia trung tín và khôn ngoan không chỉ biết làm lợi cho gia chủ, mà còn biết cư xử có tình nghĩa đối với mọi người. Và nếu khi Chúa đến, Ngài thấy họ đang chu toàn bổn phận, chắc chắn Ngài sẽ ban thưởng. Vì một người làm bổn phận, dù đơn sơ nhỏ mọn đến đâu cũng sẽ vui mừng trong ngày Chúa trở lại trong vinh quang. Còn chè chén say sưa và đánh đập tôi tớ trong nhà là biểu hiện của một thái độ kinh thường đối với chủ.
Hình ảnh người quản gia trung tín và khôn ngoan (x. Lc 12,42-44) mà Chúa Giêsu trưng dẫn, được coi như khuôn mẫu cho những ai muốn thuộc trọn về Ngài. Nhưng trên tất cả, Chúa Giêsu luôn là khuôn mẫu tuyệt hảo (x. Ep 1,14). Tinh thần tỉnh thức luôn thấm đượm trong nếp sống của Ngài. Thái độ tỉnh thức đã giúp Chúa Giêsu có thể lắng nghe và sẵn sàng thực thi Thánh ý của Thiên Chúa Cha trong mọi lúc. Nhờ thế, cái chết mà Ngài đã trải qua, đã trở thành giờ vinh thắng khải hoàn tiêu diệt sự chết, và là niềm hy vọng phục sinh cho những ai tín thác vận mệnh của mình trong tay Ngài (x. Cl 1,18-20; Pl 2,8-9; Ep 1,7).
Chúa Giêsu dạy chúng ta “Anh em hãy biết điều này”, đó là biết sự bất ngờ của giờ Chúa đến. “Vì chính giờ phút chúng ta không ngờ thì con Người sẽ đến”. Chúa Giêsu dùng hai dụ ngôn để dạy chúng ta hiểu về sự bất ngờ ấy: dụ ngôn về kẻ trộm “Nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến, hẳn ông sẽ không để nó khoét vách nhà mình đâu”. Dụ ngôn thứ hai về người quản gia chân chính khôn ngoan, luôn làm tròn trách nhiệm của mình với những người tôi tớ của chủ. “Nhưng nếu anh ta nghĩ chủ còn lâu mới về mà chè chén say sưa, đánh đập tôi trai tớ gái, chủ sẽ loại anh ta như những người thất tín”.
Chúa Giêsu còn dạy chúng ta tỉnh thức và sẵn sàng bằng hình ảnh thắt lưng và cầm đèn cháy sáng trong tay, Chúa muốn dạy chúng ta phải loại bỏ tất cả những gì cản trở sinh hoạt thiêng liêng của chúng ta, làm chúng ta mất tự do, không cho chúng ta hoàn toàn thuộc về Chúa và sẳn sàng đón tiếp Ngài, đó là những đam mê xác thịt và những sự thế gian, cầm đền cháy sáng trong tay là chúng ta phải luôn sống theo đức tin, đức tin của chúng ta luôn phải sáng, luôn tỏa sáng ra chung quanh, chiếu sáng cho mọi người, chúng ta luôn biểu lộ đức tin của chúng ta bằng hành động để, chứng tỏ những điều chứng ta thâm tín, tin tưởng trong lòng, cầm đèn sáng ở tay biểu lộ chúng ta luôn sẳn sàng chờ đón Chúa, như “những cô trinh nữ khôn ngoan cầm đèn ra đón chàng rể”, đời sống chúng ta phải luôn tốt đẹp.
Đời sống chúng ta, những Kitô hữu, là một cuộc hành trình đức tin, chúng ta luôn bảo vệ ơn nghĩa cùng Chúa, biết dùng ơn Chúa mà sống tốt lành như người quản gia trung tín và khôn ngoan, luôn khao khát và chăm chú vào việc đón tiếp Chúa sắp đến cách trung thành kiên nhẫn, chờ đợi trong tư thế tỉnh thức không thiếp ngủ trong đam mê xác thịt, luôn bảo vệ phần rỗi linh hồn mình cho tới khi Chúa đến. Việc tỉnh thức sẵn sàng cần thiết cho mọi người, nhưng với những người có trách nhiệm phải trả lẽ trước mặt Chúa về phần rỗi của người khác, thì tư cách sẳn sàng và tỉnh thức là biết chu đáo bổn phận được trao phó cách trung thành và khôn ngoan nữa. Nguyên nhân chúng ta xao lãng việc lo cho phần rỗi của mình, là quên giờ chết của mình sắp đến, nghĩ còn lâu chủ mới về, nên liều mình trong thói hư tật xấu, khiến cho giờ chết đến bất ngờ không kịp chuẩn bị.
Chúng ta còn cần tìm biết ý Chúa và thi hành, chứ đừng nói mà không làm, biết ý Chúa để truyền đạt cho những người chúng ta có trách nhiệm về phần rỗi của họ, chứ không như một con chó câm. Chúng ta, những Kitô hữu, là những người  quản lý ơn Chúa, phải dùng mà làm sáng danh Chúa, lo cho phần rỗi mình và anh em đồng loại, không được phung phí, hay dùng theo sự ích kỷ của mình, không theo ý Chúa. Phải biết yêu Chúa và làm mọi sự như một người quản lý trung thành và khôn ngoan, để yêu thương mọi người.
Tỉnh thức trông chờ Chúa với tư thế đó, thì Chúa đến bất cứ lúc nào, ngày nào, giờ nào, Chúa cũng hài lòng mời chúng ta vào bàn tiệc, mà chính Chúa sẽ phục vụ chúng ta, đó là phần thưởng Nước Trời Chúa sẽ ban cho chúng ta trong kiếp sống vĩnh cửu.
Tất cả mọi người chúng ta không nhiều thì ít đều là quản gia của Thiên Chúa. Vì tất cả mọi sự ta có: sự sống, tài năng, sức lực, quyền hành, chức vụ, tài sản .. đều là của Chúa ký thác cho chúng ta, trực tiếp để làm vinh danh Chúa, gián tiếp là để mưu ích hạnh phúc cho chúng ta và cho đồng loại. Chúng ta không được phung phá hoặc để  phục vụ tính ích kỷ của riêng mình, nhưng phải sử dụng theo ý Chúa như một quản gia trung thành và khôn ngoan.
Học cùng Chúa Giêsu, người tín hữu được mời gọi mau mắn sống tinh thần tỉnh thức, để có thể lắng nghe, và sẵn sàng sống trọn vẹn ơn gọi làm người trước mọi biến chuyển của thời đại. Với hy vọng, khi đối diện với giờ sau hết của một kiếp người, người tín hữu có thể sẵn sàng ra nghênh đón Thiên Chúa Tình Yêu.


Thứ Bảy, 21 tháng 10, 2017

 lời Thánh Phaolô gửi cho giáo đoàn Rôma: “Vui với người vui và khóc với người khóc” (Rm 12:15),
 Vui với người vui là điều dĩ nhiên và dễ rồi. Nhưng buồn hay khóc với người buồn thì cũng dễ chứ có sao đâu. Mới đầu tôi cũng không quan tâm đến việc Kinh Thánh nói gì, tại sao lại vui trước rồi mới đến buồn sau. Nhưng để tâm suy nghĩ, và dành ít phút thinh lặng trước Đấng chịu đóng đinh, tôi mới nhận ra Thánh Kinh không đơn giản chỉ nói vậy, nhưng thật là thâm thúy, thật là ứng dụng, và thực hành không riêng trong lãnh vực tâm linh, mà ngay còn cả ở lãnh vực tâm lý và xã hội nữa. Tóm lại, tôi phải học để vui với người vui, và sau đó là học để biết xoa dịu, chia sẻ với người buồn, người gặp đau khổ cũng như thử thách.
 Vui cùng người vui:
 Một người sau nhiều năm học hành vất vả, hao tốn tiền của, tâm sức thi được bằng hành nghề dĩ nhiên là vui, và tôi phải vui lây. Một người sau bao công sức, vất vả, dành dụm nay mua được căn nhà mới, tôi phải chung vui là lẽ thường tình. Như vậy vui với người vui thì không có gì khó. Có gì mà cần phải học hỏi.    
 Nhưng thật ra không phải vậy. Vui với người vui quả là khó. Cái khó không phải là nở một nụ cười xã giao, không phải là nói một lời chúc mừng, hoặc tặng người đó một món quà kỷ niệm. Thí dụ, một cây cảnh trong ngày ăn tân gia, hoặc mời người đó một bữa cơm chiều tại một nhà hàng sang trọng gọi là mừng cho bạn vừa qua thời kỳ học hành vất vả. Cái khó là ở chỗ tận trong thâm tôi, tôi có chấp nhận và bằng lòng với sự may mắn, với điều tốt lành mà người bạn đó đạt được hay không? Tôi có nghĩ rằng không những người đó may mắn hơn tôi mà còn giỏi giang và có khả năng hơn tôi không? Với tâm lý thường tình thì việc chấp nhận này không hề dễ. Người bạn vừa đỗ bằng hành nghề tâm sự, khi em thông báo tin vui này với bạn bè thì một số “không tin”, một số lại nói, mày chỉ là ăn may thôi! Còn người có ngôi nhà mới thì những người bạn gọi là thân nhất, trong đó vài người tỏ ra hoài nghi, một vài người thì không nói gì?
 Sở dĩ có hiện tượng làm thinh hoặc hoài nghi như vậy là vì tự thâm tâm ai đó không chấp nhận sự thua thiệt, kém may mắn của mình, không vui khi thấy người khác hơn mình. Đây là một lối diễn tả của thái độ thiếu khiêm tốn và ghen tỵ. Mà vì mang tâm tình ghen tỵ nên không vui, và không thể vui một cách bác ái, đúng nghĩa. Điều này cũng chính Thánh Phaolô đã diễn tả ngay sau khi khuyên ta biết vui với người vui: “… đừng tự cao tự đại, nhưng ham thích những gì hèn mọn. Anh em đừng cho mình là khôn ngoan” (12:16). Căn bản của hạnh phúc, của niềm vui chân thật là ở đó. Tâm lý sống bình an với người khác cũng là ở đó. Tóm lại, để vui với người vui ta cần phải làm hai điều: Chấp nhận sự thật là người nào đó may mắn hơn mình, tài khéo hơn mình, và loại bỏ tính tự ty mỗi khi có ai đó hơn mình. Nói một cách thực tế, đó là phải hủy cái tôi “tự cao tự đại,” mà phải trau dồi tìm lại cái bản ngã đích thực của mình trong tất cả sự yếu đuối và rất thật của nó. Rồi phải yêu những cái thuộc về chính mình. Chỉ có thế, khi ta chung vui, hoặc chia vui với ai, ta mới không cảm thấy một cái gì thua thiệt, không cảm thấy tự ái và ghen tỵ. Và sự chung vui ấy của ta mới phát xuất tự cõi lòng yêu mến, kính trọng, mừng cho người đó.
 Khóc cùng kẻ khóc:
 Đây cũng là một sự chia sẻ đòi hỏi phải thật lòng. Khi một người khác gặp điều gì xui xẻo, tự nhiên ai cũng thấy mình được may mắn, được chúc phúc hơn nạn nhân đang phải đối diện với những thử thách hoặc đau khổ ấy. Nhưng cốt lõi tình cảm ta lúc đó như thế nào? Và ta nhìn nhận sự may mắn ấy như thế nào, cũng như nhìn những điều kém may mắn của người khác như thế nào? Dư luận vẫn đồn đãi là những số tiền khổng lồ gửi về giúp cho những nạn nhân bão lụt, thiên tai ở Việt Nam đa số chui vào túi những quan chức tham ô, mặc dù trên truyền thanh, truyền hình, báo chí họ vẫn kêu gọi sự giúp đỡ của cộng đồng xã hội nhân danh tình thương, nhân danh những nạn nhân bất hạnh, đáng thương. Người đời gọi đó là những giọt nước mắt cá sấu, và những bộ mặt giả nhân, giả nghĩa.
 Thông cảm được sự mất mát, đớn đau, kém may mắn của người khác là một một kinh nghiệm thực hành mà chỉ có thể rút ra từ những khó khăn của chính mình, từ một trái tim nhân ái, tấm lòng vị tha. Chia sẻ những mất mát, đớn đau của anh em mình một cách thực lòng là những chia sẻ mà theo thánh Têrêsa Calcutta, khiến cho con tim rỉ máu!

Vui với người vui, khóc với người khóc:
 Bản tính con người với cái thói yêu cái tôi của mình mà không yêu chính mình, trọng cái tôi của mình mà không trọng chính mình. Từ quan niệm phiến diện và chủ quan ấy, con người thường có khuynh hướng đề cao mình, tự cao, tự đại về chính mình, vì thế chấp nhận ai đó hơn hoặc bằng mình là một điều khó. Ngược lại, khi so sánh với những bất hạnh, những buồn phiền của người khác là điều mà thường tình con người tự nhiên luôn luôn thích thú và có thể làm được.
 Tóm lại, dù vui hay buồn, dù chung vui hay sẻ buồn, để thực hiện được điều này, đòi hỏi ta phải có cái nhìn công bằng về mình và với người khác. Một tư tưởng mà theo thánh Phaolô không được “tự cao tự đại, nhưng ham thích những gì hèn mọn. Anh em đừng cho mình là khôn ngoan” (12:16). Tư tưởng ấy mới nghe xem ra dễ dàng, nhưng đi vào thực hành là một điều hết sức khó khăn. Tuy nhiên, chỉ khi làm được điều ấy thì niềm vui hay nỗi buồn khi ta chia sẻ với người khác mới chính là những chia sẻ phát xuất tự con tim, và làm cho người nghe cảm thấy sung sướng, khích lệ và an ủi.

Thứ Năm, 12 tháng 10, 2017


Tin Mừng : Lc 11, 15-26
“Nếu tôi dùng ngón tay Thiên Chúa mà trừ quỷ, thì quả là Triều Đại Thiên Chúa đã đến giữa các ông.”
Tin mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Lu-ca
Bấy giờ, Đức Giê-su trừ một tên quỷ, nhưng có mấy người lại bảo : “Ông ấy dựa thế quỷ vương Bê-en-dê-bun mà trừ quỷ.” Kẻ khác lại muốn thử Người, nên đã đòi Người một dấu lạ từ trời. Nhưng Người biết tư tưởng của họ, nên nói : “Nước nào tự chia rẽ thì sẽ điêu tàn, nhà nọ đổ xuống nhà kia. Nếu Xa-tan cũng tự chia rẽ chống lại chính mình, thì nước nó tồn tại sao được ? … bởi lẽ các ông nói tôi dựa thế Bê-en-dê-bun mà trừ quỷ. Nếu tôi dựa thế Bê-en-dê-bun mà trừ quỷ, thì con cái các ông dựa thế ai mà trừ ? Bởi vậy, chính họ sẽ xét xử các ông. Còn nếu tôi dùng ngón tay Thiên Chúa mà trừ quỷ, thì quả là Triều Đại Thiên Chúa đã đến giữa các ông. Khi một người mạnh được vũ trang đầy đủ canh giữ lâu đài của mình, thì của cải người ấy được an toàn. Nhưng nếu có người mạnh thế hơn đột nhập và thắng được người ấy, thì sẽ tước lấy vũ khí mà người ấy vẫn tin tưởng và sẽ đem phân phát những gì đã lấy được.
“Ai không đi với tôi là chống lại tôi, và ai không cùng tôi thu góp là phân tán.
“Khi thần ô uế xuất khỏi một người, thì nó đi rảo qua những nơi khô cháy, tìm chốn nghỉ ngơi. Mà vì tìm không ra, nó nói : ‘Ta sẽ trở về nhà ta, nơi ta đã bỏ đi.’ Khi đến nơi, nó thấy nhà được quét tước, dọn dẹp hẳn hoi. Nó liền đi kéo thêm bảy thần khác dữ hơn nó, và chúng vào ở đó. Rốt cuộc tình trạng người ấy lại còn tệ hơn trước.”
Đó là Lời Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa,chúng con cảm tạ Chúa đã ban cho chúng con hồng ân đức tin qua truyền thống của Hội Thánh và gia đình.Xin Chúa cho các gia đình và những cộng đoàn Công giáo trở nên mảnh đất màu mỡ để hạt giống đức tin do Chúa tặng ban nẩy mầm,đâm hoa ,kết trái trong đời sống hằng ngày



Chủ Nhật, 8 tháng 10, 2017

Hãy đi và làm như vậy Lời Chúa: Lc 10, 25-37 (Ngày 9.10.2017 – Thứ hai Tuần 27 Thường niên năm A)

Hãy đi và làm như vậy
(Ngày 9.10.2017 – Thứ hai Tuần 27 Thường niên năm A)
Lời Chúa: Lc 10, 25-37
Khi ấy, có người thông luật kia đứng lên hỏi Ðức Giêsu để thử Người rằng: “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?” Người đáp: “Trong Luật đã viết gì? Ông đọc thế nào?” Ông ấy thưa: “Ngươi hãy yêu mến Ðức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi và người thân cận như chính mình.” Ðức Giêsu bảo ông ta: “Ông trả lời đúng lắm. Cứ làm như vậy là sẽ được sống.”
Nhưng ông ấy muốn chứng tỏ là mình có lý, nên mới thưa cùng Ðức Giêsu rằng: “Nhưng ai là người thân cận của tôi?” Ðức Giêsu đáp: “Một người kia từ Giêrusalem xuống Giêrikhô, dọc đường bị rơi vào tay kẻ cướp. Chúng lột sạch người ấy, đánh nhừ tử, rồi bỏ đi, để mặc người ấy nửa sống nửa chết. Tình cờ, có thầy tư tế cũng đi xuống trên con đường ấy. Trông thấy người này, ông tránh qua bên kia mà đi. Rồi cũng thế, một thầy Lêvi đi tới chỗ ấy, cũng thấy, cũng tránh qua bên kia mà đi. Nhưng một người Samaria kia đi đường, tới ngang chỗ người ấy, cũng thấy, và chạnh lòng thương. Ông ta lại gần, lấy dầu lấy rượu đổ lên vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc. Hôm sau, ông lấy ra hai quan tiền, trao cho chủ quán và nói: “Nhờ bác săn sóc cho người này, có tốn kém thêm bao nhiều, thì khi trở về, chính tôi sẽ hoàn lại bác”. Vậy theo ông nghĩ, trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp?” Người thông luật trả lời: “Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy.” Ðức Giêsu bảo ông ta: “Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy.” Đó là lời Chúa.
Suy niệm:
Trong Tin Mừng Mátthêu và Máccô (Mt 22, 36; Mc 12, 28) vị luật sĩ đặt câu hỏi về điều răn nào là điều răn lớn nhất. Còn theo Tin Mừng Luca, vị này lại hỏi Đức Giêsu về việc phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp (c. 25). Đức Giêsu nghĩ rằng câu trả lời đã có trong sách Luật, nên Ngài hỏi lại ông. Ông này đã trích sách Đệ Nhị Luật 6,5 và sách Lêvi 19,18 để trả lời. Động từ yêu mến diễn tả thái độ đối với Thiên Chúa và người thân cận: “Hãy yêu mến Thiên Chúa với tất cả trái tim con, với tất cả linh hồn con, với tất cả sức lực con và với tất cả trí khôn con, và người thân cận như chính mình” (c. 27). Đức Giêsu khen ông trả lời đúng và khích lệ ông (c. 28). Như thế giữa Ngài và vị thầy Do thái giáo đã có sự nhất trí nào đó. Tình yêu không phải là một đòi hỏi mới của Kitô giáo, nhưng tình yêu đã là điều cốt yếu của Do thái giáo từ xưa. Vấn đề là phải yêu Thiên Chúa với tất cả trái tim, linh hồn, sức lực và trí khôn. Từ tất cả được lặp lại bốn lần để nói lên một đòi hỏi tận căn, trọn vẹn.
Nhưng Đức Giêsu còn phải trả lời câu hỏi: “Ai là người thân cận của tôi ?” Ngài đã trả lời bằng một dụ ngôn nổi tiếng, qua đó ngài mở rộng quan niệm truyền thống về người thân cận. Một người từ Giêrusalem xuống Giêrikhô. Anh phải vượt qua đoạn đường dài gần 25 cây số. Đoạn đường này thời bấy giờ có nhiều trộm cướp. Anh đã bị bọn cướp trấn lột, đánh nhừ tử và đặt nằm đó nửa sống nửa chết. Nhìn vào tình cảnh bi đát của anh, có ai muốn thương giúp anh không? Có ba người đi qua chỗ anh nằm, một là thầy tư tế, hai là thầy Lêvi. Cả hai đều phản ứng như nhau: thấy và tránh qua bên kia mà đi (cc. 31-32). Chúng ta không rõ tại sao họ làm thế. Có thể vị tư tế sợ mình bị ô nhơ qua việc đụng chạm đến xác chết, vì sách Lêvi (21, 1-3) cấm không được làm thế, trừ phi là xác bà con gần.
Một người Samari là nhân vật thứ ba đi ngang qua nạn nhân. Hầu chắc nạn nhân này là một người Do Thái, vì không có chi tiết nào cho thấy anh ta là dân ngoại cả. Giữa dân Do Thái và dân Samari vốn có mối hiềm thù từ lâu. Người Samari này cũng thấy nạn nhân như hai người trước, nhưng đó không phải là cái nhìn lạnh lùng, vô cảm. Anh thấy bằng trái tim mình, vì thế anh chạnh lòng thương (c. 33). điều mà hai người trước không có. Chính sự thúc đẩy của trái tim đã khiến anh làm một loạt hành động cụ thể: lấy dầu và rượu đổ lên vết thương, băng bó, đặt nạn nhân trên lưng lừa, đưa về quán trọ săn sóc, ở lại quán trọ nguyên ngày hôm ấy, trả tiền cho chủ quán và hứa sẽ trở lại trả thêm nếu cần (cc. 34-35). Lòng thương xót thật sự khiến anh chấp nhận mất công, mất của, mất giờ, và có thể mất mạng nữa, vì có thể tên cướp vẫn còn núp đâu đây.
Khi giúp cho kẻ lâm nạn, dù biết đó là một người Do Thái kẻ thù của mình, người Samari đã làm một phép lạ lớn. Đó là biến mình trở thành người thân cận với anh ấy, và biến anh ấy, kẻ thù của mình, trở thành người thân cận với mình. Đây là phép lạ của tình thương phá vỡ và vượt qua mọi biên giới của chủng tộc, tôn giáo và nhất là vượt qua những thù oán lâu đời. Để trả lời câu hỏi của vị luật sĩ: ai là người thân cận của tôi ? Đức Giêsu đặt câu hỏi ngược lại cho vị này: “Theo ông, trong ba người, ai đã trở nên người thân cận với kẻ bị nạn ?” (c. 36). Câu hỏi quá dễ, nhưng hàm chứa một điều mới mẻ sâu xa. Trước khi giúp một người, tôi không nên tự hỏi người này có thân cận với tôi không. Chúng ta không chỉ giúp những người thân cận và loại trừ người khác. Chúng ta giúp một người chỉ vì người đó đang cần chúng ta. Giúp đỡ cụ thể là cách tạo ra người thân cận Càng giúp nhiều, ta càng có nhiều người bạn thân. Vị luật sĩ đã hỏi Đức Giêsu phải làm gì (c. 25). Kể xong dụ ngôn, Đức Giêsu trả lời: Hãy đi và hãy làm như vậy (c. 37).
Đất nước chúng ta đã giàu lên đáng kể, nhưng vẫn không thiếu người nghèo, nghèo sức khỏe, nghèo tri thức, nghèo vật chất tối thiểu, nghèo nhân phẩm… Chúng ta cũng bị cám dỗ “tránh sang bên kia đường”, thấy mà làm như không thấy những Ladarô nằm trước cửa. Yêu những người nghèo như chính mình, yêu cả những ai đã làm khổ mình. Đó là cách chúng ta rao giảng Tin Mừng cho quê hương Việt Nam hôm nay.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa, lúc đầu chúng con chỉ muốn cầm tay nhau để làm thành một vòng tròn khép kín. Sau đó chúng con hiểu rằng cần phải buông tay nhau để nhận những người bạn mới, để vòng tròn được mở rộng đến vô cùng và trái tim được lớn lên mãi.
Lạy Chúa, chúng con biết rằng cần phải nối vòng tay lớn xuyên qua các đại dương và lục địa. vòng tay người nối với người, vòng tay con người nối với Tạo Hóa.
Chúng con thích Chúa đứng chung một vòng tròn với tất cả loài người chúng con, nắm lấy tay chúng con và đưa chúng con lên cao.
Ước gì việc Chúa giang tay trên thập giá giúp chúng con biết cầm lấy tay nhau và nhận nhau là anh em.
Cầu nguyện: Lạy Chúa ,xin giúp chúng con ý thức rằng: Sự sống đời đờ,số phận vĩnh cửu,niềm vui hạnh phúc đích thực của chúng con tùy thuộc vào cách cư xử của chúng con với người đồng loại trong cuộc sống này.