Thứ Tư, 8 tháng 11, 2017

MUỐN LÀM THÁNH PHẢI LÀM NGƯỜI TRƯỚC ĐÃ

MUỐN LÀM THÁNH PHẢI LÀM NGƯỜI TRƯỚC ĐÃ
Trần Mỹ Duyệt
  “Muốn làm thánh phải làm người trước đã” (Th. Gioan Bosco). Qua kinh nghiệm giáo dục, và với nhiệt tâm huấn luyện, chinh phục các thanh thiếu niên bụi đời quay về với cuộc sống đời thường, và cao hơn nữa, vươn tới lý tưởng thánh, thánh Gioan Bosco đã để lại một câu nói rất thực tế, nhưng cũng rất thách đố, đòi hỏi nhiều thiện chí và nghị lực của người nghe.

Câu hỏi đối với nhiều người không chấp nhận quan điểm của thánh nhân sẽ là: “Nói vậy thì tôi không phải là người hay sao?” Và “Tại sao để làm một thánh nhân thì tôi cần phải làm một con người trước?”

Điều đó đúng nếu ta chỉ quan niệm con người là một tạo vật có thân xác, có khối óc, có tài năng, biết làm giầu, biết hưởng thụ, thành đạt, và có quyền lực. Nhưng với những đặc điểm vừa kể thực ra chưa làm nên một người; nhất là một con người “tốt”, một con người “tử tế”.  

Theo phân tâm học, con người được kết hợp rất mật thiết do ba yếu tố, gồm bản năng (Id), bản ngã (Ego) và siêu ngã (Superego). Bản năng, thôi thúc con người hành động theo những nhu cầu và đòi hỏi tự nhiên. Thí dụ, bản năng sinh tồn, mách bảo cho con người biết đói phải ăn, khát phải uống, và buồn ngủ thì phải ngủ. Trong khi bản ngã thể hiện cái tôi của mỗi người như nóng nảy, ích kỷ, quảng đại, tình cảm, hay đam mê… được quan sát thấy qua lãnh vực tâm lý. Sau cùng là siêu ngã. Từ nơi sâu thẳm và tầng cao của trí tuệ, của hiểu biết, con người biết phải ăn như thế nào, phải vui như thế nào, phải buồn như thế nào, và làm sao để sống, để suy nghĩ, để hành động đúng với tư cách, phẩm giá của một con người.

Khi ba yếu tố hay ba đặc tính căn bản ấy bổ túc cho nhau và phát triển đồng đều lúc đó con người sẽ trở thành một người. Một con người để qua đó, nó có thể trở thành người đàng hoàng, tử tế, lịch sự, biết phải trái, biết hòa đồng, biết sống chung với mọi người. Một con người tốt. Một con người mà những ai thường ngày giao tíếp, gặp gỡ đều quí mến, và cảm thấy từ nơi nó toát ra một sức hấp dẫn có thể chinh phục và cải hóa được ngay cả những cái xấu, cái bất toàn nơi họ. Những thánh nhân, những bậc quân tử, hay những người tốt đều có những sức thu hút và hấp dẫn này. 

Khác với con người bản năng, con người bản ngã với cái tôi của mình. Một cái tôi biết vui, biết buồn, biết sướng, biết khổ, biết yêu, biết ghét, biết giận hờn. Ở điểm này, hành động con người bắt đầu tách rời và không lệ thuộc vào những đòi hỏi theo bản năng tức là những hành động chỉ thuộc về loài vật. Nơi tầng cao trong sinh hoạt tự nhiên ấy, đời sống tâm lý, tình cảm được thể hiện qua nụ cười, ánh mắt, bờ môi, qua những cử chỉ âu yếm, săn đón, và nhất là biết hy sinh cho người khác. Và cũng như con người bản năng, con người siêu ngã có thể làm chủ và điều khiển được con người “tâm lý” của mình. Đây là điều mà chỉ có con người với lý trí, hiểu biết mới có và mới có thể làm được, qua những chọn lựa hành vi nhân tính một cách tự do.

Nhưng làm sao để có thể kìm hãm được bản năng, thăng hoa được tình cảm, và phát triển được lý trí, nếu nó suy nghĩ, sống và hành động như một kẻ vô thần. Và vì thế, con người bắt buộc phải tiến đến sự hiểu biết và qui hướng về một Đấng Toàn Năng. Do sự nhận thức và hiểu biết này, con người biết mình phải làm gì, và làm như thế nào dựa theo những định luật của lương tâm, của niềm tin tôn giáo. Với những suy nghĩ tâm linh này, con người mới trở nên một tạo vật vượt trên mọi thụ tạo hữu hình, “Nhân linh ư vạn vật”. 

Như vậy làm người không đơn giản, và không dễ dàng, nhất là làm người tốt, người đàng hoàng, tử tế, người đức hạnh. Vì những cái gọi là đàng hoàng, tử tế, và đạo đức ấy chính là những “nhân đức”, hay những hành động tốt được lập đi, lập lại trong nhiều hoàn cảnh khác nhau trong cuộc sống. Và đó là lý do tại sao phải “làm người” trước rồi mới “làm thánh”.
 Thật ra, người đức hạnh, người đạo đức đã là một người tốt theo nghĩa tự nhiên. Họ chỉ cần siêu nhiên hóa đời sống của họ bằng một tâm tình qui hướng về Đấng Tối Cao, đồng thời vươn tới và phản chiếu tâm tình ấy qua việc đối xử nhân ái, công bằng, tôn trọng và phục vụ tốt với đồng loại. Được vậy họ chính là những thánh nhân trong cuộc đời này. Là những người rất đáng được tôn trọng dù họ không mang dáng vẻ đáng kính, nổi trội bằng những hành động lớn lao đi nữa. Theo Thánh Têrêsa Calcutta, chúng ta không có nhiều cơ hội làm những việc lớn lao, cao cả, nhưng chúng ta luôn có những cơ hội làm những việc tầm thường, nhỏ bé với tấm lòng và trái tim lớn lao, cao cả.

“Muốn làm thánh thì phải làm người trước đã”. Chúng ta ai cũng đã là người rồi, chỉ còn lại là người như thế nào. Đời sống thánh thiện không quá xa rời thực tế, không vượt quá sức con người, và cũng không phải là một lý tưởng trừu tượng. Sống thánh thiện, sống đạo đức, sống tốt lành là điều mà mọi người có thể làm được trong tin tưởng và cậy trông vào sức mạnh của Thiên Chúa, cùng với việc tận dụng tất cả những điều kiện đã có sẵn trong con người của chính mình. “Ông kia bà nọ nên thánh được tại sao tôi không được?” (Th. Augustine)

Thứ Tư, 25 tháng 10, 2017

HÃY LÀ QUẢN GIA KHÔN NGOAN
Tất cả mọi người chúng ta không nhiều thì ít đều là quản gia của Thiên Chúa. Vì tất cả mọi sự ta có: sự sống, tài năng, sức lực, quyền hành, chức vụ, tài sản .. đều là của Chúa ký thác cho chúng ta, trực tiếp để làm vinh danh Chúa, gián tiếp là để mưu ích hạnh phúc cho chúng ta và cho đồng loại...

Thứ Tư tuần XXIX TN  
Lc 12, 39-48
Sự chết là điểm đến chung cuộc của phận người (x.Gv 6,6). Thế nhưng, không ai biết mình sẽ chết lúc nào, bởi đó là giờ phút ta không ngờ (x. Lc 12,40). Tuy vậy, cái chết không phải là dấu chấm hết của một kiếp người (x. Mt 25,31-46), bởi lẽ, con người là họa ảnh của Thiên Chúa Tình Yêu (x. St 1,26) và được mời gọi thông phần vào sự sống thần linh của Ngài (x. Ep 1,3-7). Để chuẩn bị cho điểm đến này, thì tinh thần “tỉnh thức – sẵn sàng” là điều tối cần đối với những ai muốn cùng với Chúa đi trọn cuộc hành trình dương thế để tiến về quê trời.
Qua kiếp sống vĩnh cửu, giáo lý cũng dạy cho chúng ta biết, chúng ta sẽ vào thiên đàng hay hỏa ngục là nơi ở vĩnh viễn của chúng ta. Thiên đàng hay hỏa ngục là do cách sống của chúng ta ở trần gian chuẩn định. Vì vậy mà trong bài phúc âm hôm nay, Chúa dạy chúng ta phải tỉnh thức chờ Chúa đến.
Mọi người đều phải chết, đó là một điều hiển nhiên. Giáo lý dạy cho chúng ta biết không phải chết là hết, cái chết chấm dứt sự sống của chúng ta ở đời này, là sự sống tạm bợ, để bước qua sự sống vĩnh cửu. Sự sống ở đời này là một cuộc hành hương, trần gian này là nơi tạm trú, chúng ta rời khỏi đó khi chúng ta chết, việc chấm dứt cuộc hành hương, hay rời khỏi thế gian bằng cái chết vào lúc nào, ở đâu, bằng cách gì,chúng ta thường không biết, giờ phút ấy rất bất ngờ, giờ đó chúng ta gọi là giờ Chúa đến.
Chúa Giêsu mượn hình ảnh của người quản gia để nói lên sự tỉnh thức của người môn đệ. Người quản gia không chỉ chịu trách nhiệm đối với gia chủ. Người quản gia trung tín và khôn ngoan không chỉ biết làm lợi cho gia chủ, mà còn biết cư xử có tình nghĩa đối với mọi người. Và nếu khi Chúa đến, Ngài thấy họ đang chu toàn bổn phận, chắc chắn Ngài sẽ ban thưởng. Vì một người làm bổn phận, dù đơn sơ nhỏ mọn đến đâu cũng sẽ vui mừng trong ngày Chúa trở lại trong vinh quang. Còn chè chén say sưa và đánh đập tôi tớ trong nhà là biểu hiện của một thái độ kinh thường đối với chủ.
Hình ảnh người quản gia trung tín và khôn ngoan (x. Lc 12,42-44) mà Chúa Giêsu trưng dẫn, được coi như khuôn mẫu cho những ai muốn thuộc trọn về Ngài. Nhưng trên tất cả, Chúa Giêsu luôn là khuôn mẫu tuyệt hảo (x. Ep 1,14). Tinh thần tỉnh thức luôn thấm đượm trong nếp sống của Ngài. Thái độ tỉnh thức đã giúp Chúa Giêsu có thể lắng nghe và sẵn sàng thực thi Thánh ý của Thiên Chúa Cha trong mọi lúc. Nhờ thế, cái chết mà Ngài đã trải qua, đã trở thành giờ vinh thắng khải hoàn tiêu diệt sự chết, và là niềm hy vọng phục sinh cho những ai tín thác vận mệnh của mình trong tay Ngài (x. Cl 1,18-20; Pl 2,8-9; Ep 1,7).
Chúa Giêsu dạy chúng ta “Anh em hãy biết điều này”, đó là biết sự bất ngờ của giờ Chúa đến. “Vì chính giờ phút chúng ta không ngờ thì con Người sẽ đến”. Chúa Giêsu dùng hai dụ ngôn để dạy chúng ta hiểu về sự bất ngờ ấy: dụ ngôn về kẻ trộm “Nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến, hẳn ông sẽ không để nó khoét vách nhà mình đâu”. Dụ ngôn thứ hai về người quản gia chân chính khôn ngoan, luôn làm tròn trách nhiệm của mình với những người tôi tớ của chủ. “Nhưng nếu anh ta nghĩ chủ còn lâu mới về mà chè chén say sưa, đánh đập tôi trai tớ gái, chủ sẽ loại anh ta như những người thất tín”.
Chúa Giêsu còn dạy chúng ta tỉnh thức và sẵn sàng bằng hình ảnh thắt lưng và cầm đèn cháy sáng trong tay, Chúa muốn dạy chúng ta phải loại bỏ tất cả những gì cản trở sinh hoạt thiêng liêng của chúng ta, làm chúng ta mất tự do, không cho chúng ta hoàn toàn thuộc về Chúa và sẳn sàng đón tiếp Ngài, đó là những đam mê xác thịt và những sự thế gian, cầm đền cháy sáng trong tay là chúng ta phải luôn sống theo đức tin, đức tin của chúng ta luôn phải sáng, luôn tỏa sáng ra chung quanh, chiếu sáng cho mọi người, chúng ta luôn biểu lộ đức tin của chúng ta bằng hành động để, chứng tỏ những điều chứng ta thâm tín, tin tưởng trong lòng, cầm đèn sáng ở tay biểu lộ chúng ta luôn sẳn sàng chờ đón Chúa, như “những cô trinh nữ khôn ngoan cầm đèn ra đón chàng rể”, đời sống chúng ta phải luôn tốt đẹp.
Đời sống chúng ta, những Kitô hữu, là một cuộc hành trình đức tin, chúng ta luôn bảo vệ ơn nghĩa cùng Chúa, biết dùng ơn Chúa mà sống tốt lành như người quản gia trung tín và khôn ngoan, luôn khao khát và chăm chú vào việc đón tiếp Chúa sắp đến cách trung thành kiên nhẫn, chờ đợi trong tư thế tỉnh thức không thiếp ngủ trong đam mê xác thịt, luôn bảo vệ phần rỗi linh hồn mình cho tới khi Chúa đến. Việc tỉnh thức sẵn sàng cần thiết cho mọi người, nhưng với những người có trách nhiệm phải trả lẽ trước mặt Chúa về phần rỗi của người khác, thì tư cách sẳn sàng và tỉnh thức là biết chu đáo bổn phận được trao phó cách trung thành và khôn ngoan nữa. Nguyên nhân chúng ta xao lãng việc lo cho phần rỗi của mình, là quên giờ chết của mình sắp đến, nghĩ còn lâu chủ mới về, nên liều mình trong thói hư tật xấu, khiến cho giờ chết đến bất ngờ không kịp chuẩn bị.
Chúng ta còn cần tìm biết ý Chúa và thi hành, chứ đừng nói mà không làm, biết ý Chúa để truyền đạt cho những người chúng ta có trách nhiệm về phần rỗi của họ, chứ không như một con chó câm. Chúng ta, những Kitô hữu, là những người  quản lý ơn Chúa, phải dùng mà làm sáng danh Chúa, lo cho phần rỗi mình và anh em đồng loại, không được phung phí, hay dùng theo sự ích kỷ của mình, không theo ý Chúa. Phải biết yêu Chúa và làm mọi sự như một người quản lý trung thành và khôn ngoan, để yêu thương mọi người.
Tỉnh thức trông chờ Chúa với tư thế đó, thì Chúa đến bất cứ lúc nào, ngày nào, giờ nào, Chúa cũng hài lòng mời chúng ta vào bàn tiệc, mà chính Chúa sẽ phục vụ chúng ta, đó là phần thưởng Nước Trời Chúa sẽ ban cho chúng ta trong kiếp sống vĩnh cửu.
Tất cả mọi người chúng ta không nhiều thì ít đều là quản gia của Thiên Chúa. Vì tất cả mọi sự ta có: sự sống, tài năng, sức lực, quyền hành, chức vụ, tài sản .. đều là của Chúa ký thác cho chúng ta, trực tiếp để làm vinh danh Chúa, gián tiếp là để mưu ích hạnh phúc cho chúng ta và cho đồng loại. Chúng ta không được phung phá hoặc để  phục vụ tính ích kỷ của riêng mình, nhưng phải sử dụng theo ý Chúa như một quản gia trung thành và khôn ngoan.
Học cùng Chúa Giêsu, người tín hữu được mời gọi mau mắn sống tinh thần tỉnh thức, để có thể lắng nghe, và sẵn sàng sống trọn vẹn ơn gọi làm người trước mọi biến chuyển của thời đại. Với hy vọng, khi đối diện với giờ sau hết của một kiếp người, người tín hữu có thể sẵn sàng ra nghênh đón Thiên Chúa Tình Yêu.